MỐI QUAN HỆ GIỮA “DẤU CHÂN NƯỚC” VÀ “SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

1. Khái niệm “ Dấu chân nước”
“Dấu chân nước” là một chỉ số về sử dụng nước cả trực tiếp và gián tiếp của một người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất”.

“Dấu chân nước” của một cá nhân, cộng đồng, hoặc doanh nghiệp được định nghĩa là tổng lượng nước ngọt được sử dụng để sản xuất các hàng hoá và dịch vụ do các cá nhân hoặc cộng đồng đó tiêu thụ hoặc tổng lượng nước ngọt được sử dụng để doanh nghiệp sản xuất các hàng hoá và dịch vụ đó.

2. Thành tố của “Dấu chân nước”
“Dấu chân nước” bao gồm 3 thành tố:

Dấu chân nước xanh lục (Green water footprint) là lượng nước mà cây cối hấp thu có nguồn gốc từ nước mưa và không bị ngấm vào lòng đất.

Dấu chân nước xanh lam (Blue water footprint) là lượng nước lấy từ nước mặt hoặc nước ngầm sử dụng trong công – nông nghiệp.

Dấu chân nước xám (Grey water footprint) là lượng nước cần thiết để hòa loãng nguồn nước ô nhiễm, đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước.

Trong các ngành sản xuất thì ngành nông nghiệp có dấu chân nước lớn nhất, chiếm khoảng 92% dấu chân nước xanh lam. Một số tài liệu ghi nhận ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 70-72% nguồn nước, nhưng con số hơn 90% ở đây là lượng nước thực được tiêu dùng, bao gồm cả dấu chân nước xanh lục. Ngành công nghiệp cũng sử dụng lượng nước đáng kể nhưng phần lớn lượng nước đó không bốc hơi hoặc không tồn tại trong các sản phẩm mà quay về nguồn. Ví dụ, các nhà máy điện dùng nước để làm mát nhưng lượng nước đó không bị mất đi cũng như ít bị tiêu tốn và được thải quay trở lại nguồn nước.

3. Mối quan hệ giữa dấu chân nước và sự phát triển bền vững

Dấu chân nước” với “Phát triển bền vững” có mối quan hệ mật thiết với nhau. Với việc đánh giá “Dấu chân nước” của một ngành sản xuất, chúng ta có thể hiểu được nước được sử dụng như thế nào ở từng lưu vực sông và điều đó quan hệ thế nào tới lượng nước có ở con sông và lượng nước cần thiết mà con sông đó hoặc tầng chứa nước cần có để duy trì được đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ sinh thái cũng như đề ra được các phương án sử dụng nước một cách hợp lý và bền vững. Hiện nay, tại nhiều vùng xảy ra tình trạng là lượng nước có thể cung cấp luôn luôn ít hơn lượng nước mà ngành nông nghiệp và các ngành khác trong vùng có nhu cầu sử dụng, từ đó gây ra tình trạng thiếu nước trong sản xuất. Việc này cũng xuất phát từ nguyên nhân là chưa đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn về dấu chân nước của các ngành sản xuất trong vùng đó.

Mặt khác một trong những điều mà chúng ta có thể thực hiện để đảm bảo an ninh lương thực là sử dụng thông minh và có hiệu quả nguồn nước xanh lục. Chúng ta có thể giảm áp lực lên nguồn nước xanh lam từ sông hồ và tầng chứa nước dưới đất nước bằng cách thu gom và sử dụng hiệu quả nguồn nước mưa cũng như xử lý triệt để nguồn nước thải để tái sử dụng lại vào các mục đích phù hợp trong quá trình sản xuất và sinh hoạt, như vậy “Dấu chân nước xanh lục”“Dấu chân nước xám” cũng sẽ giảm đi và đó cũng là việc hướng đến mục tiêu “Phát triển bền vững”.

Tài Liệu Tham Khảo:

  1. Professor Tony Allan, “‘Virtual Water’: A long term solution for water short Middle Eastern economies?,” Pap. Present. 1997 Br. Assoc. Festiv. Sci. Roger Stevens Lect. Theatr. Univ. Leeds, Water Dev. Sess., 1997. Nguồn: https://lwrg.files.wordpress.com/2014/12/allan-t-virtual-water_a-long-term-solution-for-the-middle-east.pdf
  2. Liên Tâm, 2012. Dấu chân nước và sự phát triển bền vững. Cục Quản lý Tài nguyên Nước số ra ngày 05/09/2012. Nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Tai-nguyen-nuoc/Dau-chan-nuoc-va-phat-trien-ben-vung-2448

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *