(Thành phố Balikpapan – Hà Nội) Vào 19h15′ (giờ Hà Nội), buổi gặp mặt giữa Nghiên cứu viên Chu Thi Thuc Trinh và Hội đồng Nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu chung giữa Khoa Địa chất trường STT Migas và SOLEN đã được bắt đầu.
Buổi gặp mặt được tổ chức để thảo luận về nội dung nghiên cứu với chủ đề liên quan đến tiềm năng của việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy, CE) trong ngành Dầu khí tại “Thành phố dầu mỏ” Balikpapan ở miền Đông quốc đảo Indonesia. Đây là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa hai đơn vị nhằm tạo dựng nền tảng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, dựa trên mối quan tâm chung về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Môi trường và Khai thác dầu khí.
Kinh tế tuần hoàn (CE) gần đây được nhắc đến nhiều trong các hoạt động của giới nghiên cứu cũng như hoạch định chính sách hướng đến một nền kinh tế không phát thải. Các thành viên tham gia đã thảo luận rất kỹ lưỡng về tiềm năng áp dụng CE trong hoạt động khai thác dầu khí, đặc biệt là địa chất dầu khí – là thế mạnh của STT Migas. Ngoài ra, một số chủ đề khác như Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impacts Assessment, EIA), Cơ chế tín chỉ chung (Joint Credit Mechanism, JCM), … trong hoạt động địa chất dầu khí cũng được nêu ra như là một lựa chọn mới cho Nghiên cứu viên.
Nghiên cứu viên Chu Thị Thục Trinh là Tư vấn viên của SOLEN, tốt nghiệp ngành Quản lý môi trường tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dù mới gần tròn 1 năm kinh nghiệm làm việc nhưng Trinh đã gắn bó cùng SOLEN trong hoạt động nghiên cứu chuyên môn trước đó.
Kết thúc buổi thảo luận, các thành viên đều thống nhất để Trinh tiếp tục làm việc để hoàn thành đề cương nghiên cứu của bản thân, nhằm có được một cơ hội tốt để học tập và nghiên cứu tại trường STT Migas (Thành phố Balikpapan, Indonesia)