Nhãn sinh thái

1. Nhãn sinh thái là gì?

Nhãn sản phẩm nói chung hay nhãn sinh thái nói riêng là công cụ quan trọng để thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thông qua việc cung cấp các thông tin về đặc tính môi trường của sản phẩm, mang lại cho người tiêu dùng khả năng lựa chọn sản phẩm dựa trên các đặc điểm gần như không thể nhận thấy được hoặc rất khó để đánh giá.[2] Việc chứng nhận và dán nhãn sinh thái cho sản phẩm sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng thân thiện với môi trường.

Theo Tổ chức thương mại thế giới WTO và Ngân hàng thế giới WB thì: Nhãn sinh thái là một loại nhãn được cấp cho những sản phẩm thoả mãn một số tiêu chí nhất định do một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ uỷ nhiệm đề ra. Các tiêu chí này tương đối toàn diện nhằm đánh giá tác động đối với môi trường trong những giai đoạn khác nhau của chu kỳ sản phẩm: từ giai đoạn sơ chế, chế biến, gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng cho đến khi bị vứt bỏ. Cũng có trường hợp người ta chỉ quan tâm đến một tiêu chí nhất định đặc trưng cho sản phẩm, ví dụ mức độ khí thải phát sinh, khả năng tái chế, v.v. [1]

Theo Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu (GEN) định nghĩa: Nhãn sinh thái là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm.[1]

Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO: Nhãn sinh thái là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, quảng cáo, các hình thức khác.[1] 

Hình 1: Nhãn sinh thái – Eco-label(Nguồn: Pinterest)

2. Các loại nhãn sinh thái 

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phân loại ba loại nhãn và công bố môi trường theo quy định trong các hệ thống tiêu chuẩn ISO 14024:2018, ISO 14021:2016 và ISO 14025.

  • ISO 14024 (Nhãn loại I/ Công bố môi trường kiểu I): Việc dán nhãn phải được bên thứ ba công nhận (không phải do nhà sản xuất hay các đại lý bán lẻ thực hiện), dựa trên phương pháp đánh giá chu trình sống của sản phẩm (Chu trình sống là các giai đoạn kế tiếp và liên kết với nhau của một hệ thống sản phẩm, từ khi tiếp cận nguyên liệu thôi hoặc từ khi phát sinh của các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến khi thải bỏ cuối cùng). Theo tiêu chuẩn này thì các sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu khác nhau và thường phụ thuộc vào mức độ khắt khe của tiêu chuẩn và vào cơ quan quản lý tiêu chuẩn.
  • ISO 14021 (Nhãn loại II/ Công bố môi trường kiểu II): Do nhà sản xuất hoặc các đại lý bán lẻ tự nghiên cứu, đánh giá và công bố cho mình, còn được gọi là “Công bố xanh”, có thể công bố bằng văn bản, biểu tượng hoặc hình vẽ lên sản phẩm do nhà sản xuất hoặc các đại lý bán lẻ quyết định. Công bố này phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể như: chính xác và không gây nhầm lẫn, được minh chứng và được kiểm tra, xác nhận, tương ứng với sản phẩm cụ thể và chỉ được sử dụng trong hoàn cảnh thích hợp hoặc đã định, không gây ra sự diễn giải sai… đối với việc lựa chọn biểu tượng đặc trưng dựa trên cơ sở chúng đã được thừa nhận hoặc sử dụng rộng rãi, ví dụ như vòng Mobius, dùng cho các công bố về hàm lượng tái chế hoặc tái chế được.
  • ISO 14025 (Nhãn loại III/ Công bố môi trường kiểu III): Bao gồm các thông tin định lượng về sản phẩm dựa trên đánh giá chu trình sống của sản phẩm. Mục đích chính là cung cấp dữ liệu môi trường được định lượng và có thể được dùng để thể hiện sự so sánh giữa các sản phẩm. Cũng giống với nhãn kiểu I là việc công bố phải được bên thứ ba công nhận nhưng các thông số môi trường của sản phẩm còn phải được thông báo rộng rãi trong Báo cáo kỹ thuật.[3]

Điểm chung của cả ba loại này là đều phải tuân thủ 9 nguyên tắc được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14020:1998 (nguyên tắc về tiêu chuẩn đánh giá, các điều khoản áp dụng, thủ tục, phương pháp…) trong đó, điểm mấu chốt là các thông tin đưa ra phải khoa học, chính xác và dựa trên kết quả của quá trình đánh giá vòng đời sản phẩm, các thủ tục phải không cản trở cho hoạt động thương mại quốc tế.[1]

3. Nhãn sinh thái tại Việt Nam 

Tại Việt Nam, khái niệm “Nhãn môi trường” hay “Nhãn sinh thái” vẫn còn khá xa lạ với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các hạn chế thường gặp phải với các vấn đề liên quan đến nhãn sinh thái như: 

  • Nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề môi trường còn ở mức thấp nên áp lực đối với sản phẩm dán nhãn sinh thái từ phía Chính phủ và người tiêu dùng là không đáng kể.
  • Kiến thức về đặc tính môi trường của sản phẩm đối với người làm công tác quản lý môi trường và người tiêu dùng còn hạn chế, nên việc công bố các Báo cáo môi trường theo nhãn loại III cũng ít có ý nghĩa.

Hình 2: Sản phẩm được gắn nhãn sinh thái (Nguồn: Pinterest)

Tuy nhiên, từ năm 2009, tại Việt Nam đã triển khai thực hiện chương trình Nhãn xanh Việt Nam. Đây là tên gọi của Chương trình Nhãn sinh thái (NST) với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống.[4]

Các sản phẩm đã được chứng nhận và dán nhãn sinh thái tại Việt Nam có thể kể đến như: Nước Ion Kiềm của Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam, Bóng đèn huỳnh quang của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện quang, Sơn phủ dùng trong sơn xây dựng của Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, Máy in của công ty Fuji Xerox Asia Pacific Pte Ltd, Ắc quy của Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Công thương – Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (2022); “Nhãn môi trường và vấn đề ứng dụng ở Việt Nam”

[2] Asta Eder, Lara Dammer (2018); “D4.2 Report on labelling requirements for hazard c communication and ecolabelling possibilities”; Renewable solvents with high performance in application and improved toxicity profile; 745450

[3] Asta Eder, Lara Dammer, Ángel Puente(2015); “Green label report”; Chemiepark Knapsack, Industriestr. 300, 50354 Hürth

[4] Lê Minh Ánh; Tổng cục Môi trường; Tạp chí MT, số 7/2013

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *