Bạn biết gì về “Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”?

1. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là gì ? 

– Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. (Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020).

– Trong khía cạnh liên quan trực tiếp đến dự án, ĐTM là công cụ quyết định đầu tư dự án, hướng phát triển bền vững. 

2. Nguồn gốc của Đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Các đánh giá tác động môi trường được bắt đầu vào những năm 60 của thế kỉ 20, như là một phần của việc nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề môi trường. Đánh giá tác động môi trường liên quan đến đánh giá kỹ thuật nhằm góp phần vào việc ra quyết định sao cho khách quan hơn. Tại Hoa Kỳ, các đánh giá tác động môi trường đã đạt được vị thế chính thức vào năm 1969, với việc ban hành Đạo luật về Chính sách Môi trường Quốc gia. ĐTM là một hoạt động được thực hiện để tìm ra các tác động có thể xảy ra trước khi tiến hành dự án, qua đó có thể dự trù hết các khả năng rủi ro, làm cơ sở đưa ra quyết định cho nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền.

3. Ý nghĩa của Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ?

– ĐTM là công cụ quản lý môi trường quan trọng. Song nó không nhằm thủ tiêu, loại trừ hoặc gây khó dễ cho phát triển kinh tế – xã hội như nhiều người lầm tưởng mà hỗ trợ phát triển theo hướng đảm bảo hiệu quả kinh tế bảo vệ môi trường. Vì vậy nó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện qua một số điểm cụ thể sau:

  • ĐTM khuyến khích công tác Quy hoạch tốt hơn và giúp cho dự án hoạt động hiệu quả hơn.
  • ĐTM có thế tiết kiệm được thời gian và tiền của trong thời hạn phát triển lâu dài. Qua các nhân tố môi trường tổng hợp, được xem xét đến trong quá trình ra quyết định ở giai đoạn quy hoạch của các cơ sở, địa phương và Chính phủ sẽ tránh được những chi phí không cần thiết, tránh được những hoạt động sai lầm mà hậu hoạ của nó phải khắc phục một cách rất tốn kém trong tương lai.
  • ĐTM giúp cho Nhà nước, các cơ sở và cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ hơn. Các đóng góp của cộng đồng trước khi dự án được đầu tư, đảm bảo hiệu quả đầu tư dược nâng cao, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng chung trong tương lai. Thông qua các kiến nghị của ĐTM, việc sử dụng tài nguyên sẽ thận trọng hơn và giảm được sự đe dọa của suy thoái môi trường đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

– ĐTM không xét các dự án một cách riêng lẻ mà đặt chúng trong xu thế phát triển chung của khu vực, của quốc gia và rộng hơn là toàn Thế giới. Khi đánh giá một dự án cụ thể, bao giờ cũng xét thêm các dự án, phương án thay thế, nghĩa là xét đến các dự án có thể cho cùng đầu ra, nhưng có công nghệ sử dụng khác nhau hoặc đặt ở vị trí khác. Hơn nữa ở mỗi một khu vực luôn có chất lượng môi trường “nền”, mà khi đặt dự án vào, cần phải cân nhắc kỹ, tránh gây tác hại tích lũy ở mức độ cao cho một khu vực.

– ĐTM huy động được sự đóng góp của đông đảo tầng lớp trong xã hội. Nó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của chủ dự án đến việc bảo vệ môi trường. Đồng thời ĐTM liên kết được các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, nhằm giải quyết công việc chung là đánh giá mức độ tác động môi trường các dự án, giúp cho người ra quyết định chọn được dự án phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường. ĐTM cũng phát huy được tính công khai của việc lập, thực thi dự án và ý thức của cộng dồng trong việc tham gia ĐTM nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

– ĐTM còn giúp kết hợp các công tác bảo vệ môi trường trong thời gian dài. Mọi tác động được tính đến không chí qua mức độ mà còn theo khả năng tích lũy, khả năng kéo dài theo thời gian. Trong thực tế nhiều vấn đề được bỏ qua trong quá khứ đã gây tác động có hại cho hiện tại và tương lai, nhiều hoạt động gây rủi ro lớn đã xảy ra buộc chúng ta phải cân nhắc kỹ.

DANH MỤC THAM KHẢO

[1] Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020; 

[2] World Health Organization, Geneva, 1993. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *