Da thuần chay được làm từ xoài như thế nào?

Hỗn hợp nhuyễn được nghiền ép từ hàng ngàn quả xoài sẽ được biến thành da thuần chay thay vì bị vứt bỏ. Từ đó, chúng có thể trở thành nguyên liệu để sản xuất ví, túi xách và giày. Nhưng liệu chúng có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp đồ da khổng lồ hay không? Để tìm hiểu được vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về trụ sở Fruitleather, nơi đang sản xuất da thuần chay từ xoài tại Hà Lan.

Fruitleather thu được khoảng 1.500 quả xoài mỗi tuần từ nhà nhập khẩu Hà Lan. Trong quá trình kiểm soát chất lượng mặt hàng bán ra, nhà nhập khẩu này cần cắt ngẫu nhiên một số lượng xoài nhất định và lượng xoài đó sẽ không thể bán được nữa. Vì vậy, một giải pháp đã được đưa ra nhằm giảm bớt đi lượng xoài thải bỏ này là biến chúng thành sản phẩm da. Đây là một giải pháp đem lại lợi ích cho đôi bên vì Fruitleather sẽ nhận được nguyên liệu đầu vào miễn phí và nhà nhập khẩu không phải trả khoản tiền để xử lý lượng xoài bỏ đi của mình nữa.

Đầu tiên, xoài sẽ được đưa qua máy nghiền để chuyển thành dạng “nước ép” lỏng. Hỗn hợp lỏng được bơm qua một ống đi vào một thùng lớn. Tiếp theo, nhân viên tiến hành trộn một số chất phụ gia biến “nước ép” lỏng này trở thành một chất liệu giống như da. Trong quá trình này nhân viên phải tiến hành kiểm tra các thông số để đảm bảo đặc tính phù hợp của hỗn hợp. Tiếp theo là đổ hỗn hợp lên khay nướng kim loại và dàn đều để tạo độ dày đều. Sau đó, các khay được đặt trong máy làm khô qua đêm. Trước khi làm khô chúng có màu kem nhạt, nhưng sau quá trình làm khô, nó có màu khác nhau tùy thuộc vào loại xoài được sử dụng.

Ví dụ, loại xoài Palmer sẽ cho chất liệu có màu nâu hơn. Xoài Keitt sẽ cho màu đen hơn. Cuối cùng, các tấm vải được chuyển đến cơ sở hoàn thiện da để được phủ một lớp men bảo vệ.

Tại cơ sở xử lý, nhân viên sử dụng cùng một quy trình như đối với các loại da thông thường, nhưng yêu cầu của nhiệt độ phản ứng khác với các sản phẩm hoàn thiện khác. Đầu tiên, công nhân đo độ dày của từng tấm da. Sau đó, họ trộn các chất liệu nhựa để làm lớp phủ lên tấm vật liệu. Vật liệu được tráng qua dung dịch nhựa đó để tạo lớp bề mặt bảo vệ bên trên tấm vật liệu khỏi các tác động bên ngoài. Sau đó, các tấm sẽ được đưa đến một băng tải, và đi qua lò nướng ở nhiệt độ 100°C giúp lớp phủ khô. Sau đó, tấm vật liệu được treo trên giá để nguội và khô hoàn toàn. Mỗi tấm vật liệu trải qua quá trình này nhiều lần để làm cho nó bền hơn.

Tiếp theo, một máy khác sử dụng nhiệt và áp suất để liên kết các lớp phủ. Bước cuối cùng là thiết kế, sử dụng máy dập nổi để có thể làm cho da trông giống như da động vật. Sau đó, da được bán cho các nhà thiết kế trên khắp thế giới. Hugo và Koen nảy ra ý tưởng về Fruitleather lần đầu tiên vào năm 2015. Họ muốn biến thứ vô giá trị thành thứ có giá trị.

Một phần quan trọng của quá trình sản xuất da thuần chay là việc quyết định sử dụng loại trái cây nào. Khi mới bắt đầu, các nhà phát triển không biết loại trái cây nào có thể tạo ra nguyên liệu tốt hơn, thực tế trong quá trình thử nghiệm họ thậm chí đã thử chế biến dưa hấu. Nhưng dưa hấu không nhiều chất xơ mà nó chủ yếu là nước. Họ chọn xoài vì loại quả này dễ chế biến đồng thời có thành phần xơ sợi lớn. Thực tế, hơn một nửa số xoài ở châu Âu được nhập khẩu hoặc kinh doanh bởi Hà Lan, và khoảng 12% số đó ở Hà Lan bị lãng phí. Vì vậy, Fruitleather có thể có được một lượng tài nguyên rất lớn để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. Đó là lý do tại sao Fruitleather quyết định gắn bó với xoài. 

Hugo và Koen (nhà sáng lập Fruitleather) cho rằng việc sản xuất da thật từ động vật có thể gây độc hại cho cả con người và môi trường. Ngành công nghiệp thuộc da sẽ thải ra một lượng khí mêtan đến từ việc chăn nuôi gia súc (đầu vào của ngành công nghiệp này), nếu chúng ta giảm số lượng bò được nuôi với mục đích này thì chúng ta cũng giảm lượng khí nhà kính. Nhưng một số chuyên gia nói rằng nó không đơn giản như vậy. Da không đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc mà là nhu cầu tiêu thụ thịt và sữa của người dân. 

Da thuần chay cũng có những thách thức riêng. Mặc dù có một số loại da được làm từ nấm hoặc dứa, nhưng hầu hết da nhân tạo hiện nay đều được làm từ nhựa. Điều này vẫn gây phát thải lượng khí thải carbon lớn. Vì vậỵ, da nhân tạo được làm từ dầu mỏ vẫn chưa phải giải pháp hữu hiệu.

Vào năm 2020, thị trường da tổng hợp được định giá hơn 30 tỷ USD và một nghiên cứu dự đoán nó sẽ tăng lên hơn 40 tỷ đô la trong sáu năm tới. Nhưng đó vẫn chỉ là một phần nhỏ của ngành công nghiệp da giày được định giá lên tới gần 400 tỷ USD, gấp 13 lần so với ngành công nghiệp da tổng hợp. Hiện nay chúng ta thực sự cần những vật liệu thay thế mới này để giảm đi những tác hại đến môi trường. Nhưng đối với những công ty nhỏ như Fruitleather thì vẫn còn nhiều thách thức cạnh tranh. Hiện tại, Fruitleather chỉ có thể sản xuất 80 mét vuông da mỗi tháng, tức khoảng 250 đôi giày. Sản phẩm cuối cùng có giá khoảng 22 đô la cho mỗi foot vuông và với quy mô công ty nhỏ nên mới chỉ có thể sản xuất một số sản phẩm nhất định. Mục tiêu họ muốn hướng đến là sản xuất các cuộn da thuần chay có kích thước lớn hơn và dài hơn (cuộn lớn) để gia tăng hiệu quả tiêu thụ vật liệu da này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *