Hệ sinh thái của đất ngập nước (Phần 2): Nhóm tảo trong đất ngập nước (Wetland algae)

Tiếp nối nhóm bài viết về hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước được ứng dụng trong xử lý nước thải bằng quá trình tự nhiên, bài viết dưới đây sẽ trình bày về phần 2: Nhóm tảo trong đất ngập nước (Wetland algae).

Tổng quát chung về tảo

Các loại tảo có bản chất rất phong phú và khác nhau nên rất khó để đưa ra định nghĩa chính xác về chúng. Một số loài tảo là sinh vật đơn bào có kích thước tương đương với kích thước của vi khuẩn, trong khi những loài khác có thể phát triển chiều dài tới nhiều feet như rong biển. Một số loài tảo sống tự do trong khi những loài khác thì không hoặc phải kết hợp với các sinh vật khác. Với sự đa dạng, phong phú trong hình dạng, kích thước và môi trường sống của chúng, nhiều nhà nghiên cứu xác định tảo theo nhiều cách khác nhau. 

Nhìn chung, tảo là một tập hợp các loài rất đa dạng sống trong nhiều môi trường nước và đất ngập nước. Hoặc tập hợp các loài thực vật nguyên thủy (primitive plants) được gọi chung là tảo.

Tảo là một thành phần quan trọng trong đất ngập nước, là thành phần xuất hiện sớm nhất và là cộng đồng sinh vật chiếm ưu thế tại đây. Phần lớn tảo phụ thuộc vào ánh sáng để trao đổi chất và sinh trưởng, đồng thời đóng vai trò cơ sở cho chuỗi thức ăn trong môi trường đất ngập nước.

Các hợp chất hữu cơ được tạo ra bởi quá trình quang hợp của tảo sẽ trở thành năng lượng dự trữ được sử dụng cho quá trình hô hấp hoặc đi vào chuỗi thức ăn thủy sinh và cung cấp thức ăn cho nhiều loại vi khuẩn, các sinh vật dị dưỡng khác. Ngoài ra, lượng cacbon này có thể lắng đọng trực tiếp để tạo thành trầm tích than bùn hữu cơ ở vùng đất ngập nước.

Khi ánh sáng và chất dinh dưỡng dồi dào, tảo có thể tạo ra quần thể lớn và đóng vai trò đáng kể trong chuỗi thức ăn tổng thể và chu trình dinh dưỡng của hệ sinh thái dưới nước hoặc đất ngập nước. Tuy nhiên, khi có sự phát triển của đại thực vật (wetland macrophytes), vai trò của tảo trở nên kém quan trọng hơn trong dòng năng lượng của vùng đất ngập nước. 

Một số loài tảo trong vùng đất ngập nước

 

Tảo phù du chủ yếu tồn tại ở dạng đơn bào và dạng sợi, và phát triển chủ yếu tại vùng đất ngập nước. Tất cả các nhóm tảo ngoại trừ Rhodophyceae, Charophyceae và Phaeophyceae đều đóng góp các loài vào hệ thực vật phù du. Tảo phù du là “cộng đồng” thực vật thích nghi với trạng thái lơ lửng, có khả năng di chuyển thụ động theo gió và dòng chảy, tuy vậy lượng nhiều trong chúng có khả năng di chuyển cục bộ.

Tiềm năng ứng dụng tảo phù du trong hệ thống xử lý đất ngập nước: Sinh vật phù du hoặc tảo nổi tự do thường không quan trọng trong hệ sinh thái đất ngập nước trừ khi có các vùng nước mở hoặc nước sâu.

Tảo sợi, còn được gọi là cặn ao, đây là một loại cây thủy sinh phổ biến trong nhiều vùng nước khác nhau. Tảo sợi hình thành trên trầm tích hoặc các vật thể đáy như trầm tích, đá, … Các sợi của tảo có thể xen kẽ và tạo thành thảm dày giống như len ướt. Thảm tảo sợi thường nổi lên bề mặt vùng nước. 

Tiềm năng ứng dụng tảo sợi trong hệ thống xử lý đất ngập nước: Tảo sợi xuất hiện ở vùng đất ngập nước ở dạng thảm có thể chi phối nồng độ oxy hòa tan, cacbon dioxide trong cột nước vùng đất ngập nước. Xử lý nước thải sử dụng tảo là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để loại bỏ chất dinh dưỡng gây ô nhiễm và chuyển đổi chúng thành các sản phẩm hữu ích. Nito, photpho và lượng kim loại là những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của tảo. Đây cũng là các yếu tố chính mà tảo loại bỏ trong quá trình xử lý nước thải. 

Tác giả: Đỗ Thị Huệ

 Tài liệu tham khảo: Treatment wetlands (second edition) – Tác giả: Robert H. Kadlec, Scott D. Wallace

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *