Tại các khu vực ven biển, khu du lịch và khu bảo tồn sinh quyển,… rác thải như nhựa, kim loại, thủy tinh và giấy thường xuyên bị bỏ lại một cách bừa bãi, gây ra những vấn đề môi trường cho địa phương cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của sinh vật và hệ sinh thái.
Hình 1. Rác thải nhựa được thu thập trong đợt giám sát tại bãi tắm Minh Châu thuộc vườn quốc gia Bái Tử Long [1]
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – Tổng cục du lịch, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch đến vịnh Bái Tử Long trong những năm qua đã tăng đáng kể, kéo theo nhu cầu về dịch vụ, đánh bắt cá, cơ sở lưu trú và hoạt động tàu thuyền. Hậu quả là lượng rác thải ra môi trường tự nhiên tại Vịnh Bái Tử Long cũng ngày càng tăng. Thành phần rác thải chủ yếu bao gồm bao bì giấy bánh kẹo, vỏ chai nhựa, bao bì nilon và các loại chai thủy tinh. Theo thống kê của Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), rác thải nhựa chiếm tới 60 – 80% lượng rác thải thu được trên các khu vực biển và đảo thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng và việc phát sinh nhiều rác thải, cùng với việc vứt rác không đúng nơi quy định, đã dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến đời sống của các loài sinh vật trong tự nhiên và hệ sinh thái. [1]
2. Tác hại của rác thải vứt không đúng nơi quy định đến hệ sinh thái là gì?
Hình 2. Tác hại của vứt rác không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến các sinh vật sống [2]
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tác động vật lý của rác thải nhựa đến môi trường gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, làm chết các sinh vật bởi vướng vào lưới đánh cá bị mất hoặc bị bỏ lại, hoặc gây chết sinh vật qua con đường ăn uống. Các mảnh nhựa trôi nổi cũng làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến hệ sinh thái. Đặc biệt, rác thải nhựa trong môi trường nước theo thời gian bị phân mảnh tạo ra các hạt vi nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, sự tích lũy vi nhựa trong cơ thể sinh vật có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe như làm giảm việc tiêu thụ thức ăn, tăng áp lực oxi hóa và gây tổn thương cơ quan tiêu hóa. Hơn nữa, sinh vật còn bị nhiễm độc bởi các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa hoặc các chất độc hại khác hấp thụ trên bề mặt của vi nhựa trong suốt thời gian chúng tồn tại và phát tán trong môi trường, bao gồm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và kim loại nặng.
Việc vứt rác bừa bãi gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với các khu bảo tồn và vườn quốc gia đe dọa sự tồn tại của nhiều loài động thực vật quý hiếm, làm giảm sự đa dạng sinh học và có thể làm mất đi giá trị bảo tồn và du lịch của các khu vực này, gây tổn thất lớn cho cả môi trường và kinh tế.
Rác thải nhựa, với thời gian phân hủy kéo dài hàng trăm năm, là một trong những thành phần rác thải phổ biến nhất và gây ra nhiều tác động tiêu cực nhất. Khi rác thải nhựa như túi, chai lọ và bao bì bị vứt bỏ bừa bãi, chúng có thể bị cuốn vào các hệ thống sông suối và lan ra các khu vực bảo tồn. Các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn này, như chim và rùa, thường nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn. Điều này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, và giảm khả năng sinh sản, thậm chí gây tử vong. Rùa biển và cá cũng dễ bị mắc kẹt trong các mảnh nhựa, chai nhựa hoặc nuốt phải chúng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và làm giảm quần thể động vật.
Không chỉ có nhựa, rác thải kim loại và thủy tinh cũng gây ra nguy cơ đáng kể. Khi kim loại bị gỉ sét hoặc thủy tinh bị vỡ, chúng có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng cho động vật và thậm chí cho con người nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.