RỪNG PHÒNG HỘ – LÁ CHẮN XANH TỰ NHIÊN

1. Định nghĩa Rừng Phòng Hộ

Theo Luật Lâm nghiệp Việt Nam năm 2017, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt, lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

  • Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
  • Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn gió, lấn biển.

2. Vai trò của Rừng Phòng Hộ

Rừng phòng hộ đầu nguồn có vai trò điều tiết nguồn nước và dòng chảy nguồn nước. Khi xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới thì rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ giúp việc giảm thiểu nguy cơ lũ lụt (đặc biệt là lũ ống, lũ quét) và nguy cơ xói mòn đất (bảo vệ sự màu mỡ của đất), đồng thời sẽ giữ lại nguồn nước, điều hòa dòng chảy cho các sông hồ, đập thủy điện ở những vùng có độ dốc cao. 

Rừng phòng hộ ven biển thường có chức năng chính là chắn gió, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển. Chúng ta có thể thấy rõ chức năng này qua các khu rừng phòng hộ nổi tiếng tại Việt Nam. Ví dụ như: rừng ngập mặn ven biển tại huyện Giao Thủy, Nam định – chức năng chủ yếu là phòng chống bão (chắn gió bão); Khu rừng trồng tại Bình thuận (chức năng chủ yếu là chống cát bay); …

Các loại rừng phòng hộ khác nói chung đều có một chức năng nổi bật là bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa không khí, tạo cảnh quan và phát triển du lịch. 

3. Hiện trạng Rừng Phòng Hộ tại Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng Cục Lâm Nghiệp năm 2020, diện tích rừng phòng hộ Việt Nam năm 2019 phân theo từng loại rừng cụ thể như sau: 

TT Loại rừng phòng hộ                       Diện tích có rừng (ha)
Rừng tự nhiên Rừng trồng Tổng có rừng
Tổng diện tích đất, rừng phòng hộ 3.953.408 692.730 4.646.138
1 Đầu nguồn 3.863.827 548.663 4.412.490
2 Rừng bảo vệ nguồn nước 33.268 44.424 77.692
3 Rừng phòng hộ biên giới 4.517 94 4.611
4 Rừng chắn gió, chắn cát 5.023 17.695 22.718
5 Rừng chắn sóng, lấn biển 46.773 81.853 128.626

Số liệu bảng trên cho thấy diện tích Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên chỉ chiếm 14,9% . Như vậy, có thể thấy chất lượng Rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.

4. Biện pháp bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại Việt Nam

  • Phát triển chi trả Dịch vụ môi trường rừng và các quỹ phát triển rừng nhằm tạo cơ chế tài chính và động lực cho các giải pháp phục hồi rừng phòng hộ bị suy thoái;
  • Áp dụng các giải pháp về cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái đã được chứng minh về mặt hiệu quả để phục hồi Rừng tự nhiên và Rừng trồng;
  • Tăng cường áp dụng kiến thức và sử dụng các giống cây bản địa có chất lượng cao;
  • Đảm bảo chia sẻ lợi ích, bình đẳng giới và sự tham gia của cộng đồng trong các khu rừng được phục hồi;
  • Tiếp tục tăng cường công tác quản lý rừng: củng cố hệ thống thông tin, giám sát và báo cáo, tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và các kỹ thuật dựa trên nền tảng công nghệ thông tin;
  • Bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Lâm nghiệp 2017;
  2. Luật sư Lê Minh Trường, 2023. Rừng phòng hộ là gì? Vai trò, chức năng của rừng phòng hộ.
  3. Lê Thiện Đức, L. A. (2021). HIỆN TRẠNG RỪNG PHÒNG HỘ 2019. In T. c. VNFQREST, HIỆN TRẠNG RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ RỪNG PHÒNG HỘ VIỆT NAM 2019 (p. 51). Hanoi. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *