Sáng kiến đổi mới làng nghề tái chế nhựa – Làng nghề Minh Khai, Hưng Yên, Việt Nam

Làng nghề tái chế nhựa

Một đề xuất của SOLEN nhằm giảm thiểu ONMT cho làng nghề tái chế nhựa

 Bối cảnh chung

Làng nghề truyền thống là một cụm dân cư sinh sống với điều kiện làm việc và lao động gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt. Các đơn vị sản xuất tại làng nghề có quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, tự phát; cùng với việc sử dụng các thiết bị thủ công, công nghệ sản xuất đơn giản, mặt bằng sản xuất hạn chế, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu không cao và ý thức người dân về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất kém; dẫn đến những sức ép vô cùng lớn đến với môi trường. Khí thải, nước thải và chất thải rắn là các mối quan tâm đáng lo ngại của các làng nghề nói chung và các làng nghề tái chế nhựa nói riêng. Những thành phần chất thải này thường trực tiếp bị xả thải ra ngoài môi trường dù chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải; điều này đã khiến cho chất lượng không khí, nước mặt, đất ở môi trường xung quanh giảm đi rõ rệt dù chỉ quan sát bằng mắt thường.

Nhằm mục đích giảm tình trạng ô nhiễm gây ra do làng nghề tái chế nhựa, Công ty Cổ phần Giải pháp Môi trường SOLEN đề xuất thực hiện dự án: “Sáng kiến đổi mới làng nghề tái chế nhựa – Thí điểm tại làng nghề Minh Khai, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam

    Tuy đã có nhiều biện pháp để cải thiện môi trường như xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, di dời hộ dân tái chế đến cụm công nghiệp này, … nhưng những biện pháp này vẫn chưa có tính thiết thực. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa hiện nay tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 – 650 tấn/ngày. Sản phẩm chính được sản xuất tại đây gồm: ống nhựa, túi ni-lông, hạt nhựa, màng mỏng, lưới, cốc, hộp… Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60 đến 65 tấn/ngày nhưng không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên các trục đường giao thông; nước thải phát sinh gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trong quá trình rửa nguyên liệu, xay và tạo hạt nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm; lượng chất thải rắn phát sinh tồn đọng ở làng nghề khoảng 30 nghìn tấn (Theo tạp chí Môi trường – Cơ quan của Tổng cục Môi trường, 2018). Do vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện; lượng chất thải rắn trong làng nghề tích tụ lại ngày một lớn đang đe dọa cuộc sống của nhân dân.

Vì vậy, đây sẽ là một địa điểm phù hợp để có thể làm thí điểm cho dự án đề xuất này, và là một mô hình cho các làng nghề tái chế nhựa khác trên địa bàn các tỉnh miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự án mong muốn sẽ mang lại những nhận thức đúng đắn, hiểu biết về tính nguy hại của việc tái chế nhựa đến sức khoẻ cũng như môi trường xung quanh. Từ đó, đưa ra những giải pháp thiết thực để giảm thiểu các tác động nguy hại trên và mang lại lợi ích cho người dân thông qua việc thiết kế làng nghề tập trung nguồn thải, thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong công đoạn sản xuất. Thêm vào đó, dự án sẽ phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giúp quản lý và có các chính sách, giải pháp thiết thực trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm này.

 

Một số hình ảnh khảo sát

Tổng quan đề xuất

Hướng đến mục tiêu

Giải pháp đề xuất của SOLEN không những góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng tại khu vực làng nghề tái chế nhựa Minh Khai nói riêng và các làng nghề tái chế nhựa khu vực miền Bắc nói chung, mà còn là giải pháp hướng đến mục tiêu lâu dài bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất của con người, đó là:

  1. Tập trung nguồn thải và hướng đến tuần hoàn tái sử dụng tài nguyên.
  2. Thiết bị kỹ thuật đảm bảo tối ưu nhất cho quá trình sản xuất.

Từ đó hiện đại hóa quá trình sản xuất một cách đơn giản tối ưu mà vẫn giữ được đặc điểm làng nghề đảm bảo nhu cầu cuộc sống cho người dân, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường của làng nghề cũng như khu vực xung quanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *