Đất ngập nước là gì? Ảnh hưởng của đất ngập nước đến với môi trường tự nhiên ở Việt Nam.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 2/2 hằng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới, mở đầu cho tầm nhìn toàn cầu lớn hơn cho các vùng đất ngập nước. Ở Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất nước, chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc.

1. Đất ngập nước là gì?

Theo Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước định nghĩa: “Hệ sinh thái đất ngập nước là khu vực bao gồm quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một vùng đất ngập nước nhất định có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau. Vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.”

2. Những tính chất khác biệt của đất ngập nước

Đất ngập nước có đặc điểm là nước nông hoặc đất bão hòa nước, nó tích lũy những vật liệu hữu cơ và phân hủy chậm, thuận lợi cho việc phát triển những động thực vật thích nghi với điều kiện bão hòa nước. Ngoài ra, đất ngập nước còn có nhiều đặc trưng khác giúp phân biệt chúng với các hệ sinh thái khác. Đó là:

  • Độ sâu và thời gian ngập nước thay đổi nhiều giữa các đất ngập nước
  • Đất ngập nước khác nhau về độ lớn, biến đổi từ những vùng nhỏ ở đồng cỏ khoảng 1 ha đến những vùng đất ngập nước rộng hàng trăm km²
  • Sự phân bố vùng đất ngập nước cũng biến động rất lớn, từ vùng đồng bằng đến vùng ven biển, từ vùng nông thôn đến thành thị 
  • Đất ngập nước thường phân bố ở vùng trung gian giữa nước sâu và đất cao ở phần đất liền và chịu ảnh hưởng của cả hai hệ thống

3. Chức năng sinh thái của đất ngập nước

Nguồn: TTXVN
  • Nạp nước ngầm: Nước được thấm từ các vùng đất ngập nước xuống các tầng ngập nước trong lòng đất, nước được giữ lại ở đó và điều tiết dần thành dòng chảy ngầm dưới bề mặt ở vùng đất ngập nước
  • Hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt: Bằng cách giữ và điều hòa lượng nước mưa như “ bể chứa” tự nhiên, vùng đất ngập nước sẽ giải phóng nước lũ từ từ và do đó có thể làm giảm hoặc hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu
  • Chống sóng, bão, ổn định bờ biển và chống xói mòn: Nhờ lớp phủ thực vật, đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển… có tác dụng làm giảm sức gió của bão và sự bào mòn đất của dòng chảy bề mặt
  • Xử lý nước, giữ lại chất cặn, chất độc: Vùng đất ngập nước có chức năng như bể lọc tự nhiên, có tác dụng giữ lại các chất lắng đọng và có thể là các chất độc dưới sự hấp thụ của cây trồng
  • Giữ lại chất dinh dưỡng, làm nguồn phân bón cho cây và thức ăn cho các sinh vật sống trong hệ sinh thái đó
  • Sản xuất sinh khối: Rất nhiều vùng đất ngập nước là nơi sản xuất và xuất khẩu sinh khối làm nguồn thức ăn cho các sinh vật thủy sinh, các loài động vật hoang dã cũng như vật nuôi, gia súc
  • Phát triển du lịch: Các khu bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) và Xuân Thủy (Nam Định), nhiều vùng cảnh quan đẹp như Vân Long (Ninh Bình), cũng như nhiều đầm phá ven biển miền Trung … thu hút nhiều du khách đến tham quan.

4. Đa dạng sinh học đất ngập nước ở Việt Nam

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước, trong đó chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc, được phân bố ở mọi vùng sinh thái với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học.

Tây Nguyên là vùng có diện tích đất ngập nước nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%, lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 49%.

Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo, tự nhiên (nội địa và ven biển). Đất ngập nước nhân tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất là 72% tổng diện tích đất ngập nước, trong đó riêng đất trồng lúa chiếm 67%, đất ngập nước ven biển 18%, còn lại 10% là đất ngập nước nội địa.

Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.

5. Ảnh hưởng của sự thay đổi đất ngập nước đối với môi trường tự nhiên ở Việt Nam

Vùng châu thổ sông Hồng có phạm vi trải dài từ thành phố Việt Trì đến Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên hầu hết diện tích đất đai ở đây đã chuyển thành đất nông nghiệp và ao hồ, cùng với đất rừng và các khu dân cư. Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu là nơi có diện tích rừng ngập mặn (thuộc loại đất ngập nước) lớn nhất, cũng là một trong những nơi điển hình rừng bị phá để nuôi tôm. Tại các tỉnh vùng cửa sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã phá hầu hết diện tích rừng ngập mặn ven biển để làm đầm tôm nên diện tích rừng ngập mặn và tỷ lệ che phủ ở đây là rất thấp.
Sự thay đổi các loại đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nhưng nếu xét về góc độ “phát triển bền vững” và bảo vệ môi trường thì những biến động đó có thể gây ra tình trạng suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng. Bảng dưới đây đưa ra các ảnh hưởng ở hiện tại và dự báo cho tương lai nếu thiếu các biện pháp cải thiện hữu hiệu.

Nguồn: Đất ngập nước – Tác giả: Lê Văn Khoa, Nguyễn Cử, Trần Thiện Cường, Nguyễn Xuân Huân – NXB: Giáo dục

Ngày Đất ngập nước thế giới: Bảo vệ phục hồi các vùng đất ngập nước – Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)

Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2022 baochinhphu.vn

Người viết: Đỗ Thị Huệ

Ngày: 13/12/2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *