Số thùng lưu chứa rác được hỗ trợ cho TP. Huế để triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn.
UBND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Na Uy (WWF Na Uy) tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận thùng lưu chứa rác.
Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) viện trợ được phê duyệt vào đầu năm 2022 với mục đích giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1; UBND TP. Huế đang tích cực phối hợp cùng WWF – Việt Nam để hoàn tất việc điều chỉnh, bổ sung văn kiện trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2.
Trong khuôn khổ đó, dự án đã hỗ trợ cho TP. Huế 468 thùng lưu chứa rác để triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận thùng lưu chứa rác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Trần Song nhấn mạnh, Huế trân trọng và ghi nhận sự hỗ trợ của Tổ chức WWF- Na Uy, WWF- Việt Nam, chính quyền và nhân dân Na Uy đã lựa chọn TP. Huế là Đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới các đô thị giảm nhựa này. Thời gian tới, TP. Huế sẽ tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cho dự án đạt hiệu quả cao, hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ, để Huế luôn xanh -sạch- sáng – thông minh – thân thiện với môi trường, gắn với lợi ích bền vững của nhân dân.
Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do WWF viện trợ Huế với các mục tiêu như: UBND thành phố cam kết đưa Huế trở thành Đô thị giảm nhựa. Nhu cầu tiêu dùng và lượng rác thải nhựa được giảm thiểu bởi các nhóm mục tiêu. Nâng cao tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ thu gom rác thải ở các khu vực mục tiêu. Cải thiện tỷ lệ tái chế rác thải trong nhóm các bên liên quan chính tại địa bàn. Cải thiện chất lượng quản lý bãi rác trên địa bàn thực hiện dự án…
Qua đó, hình ảnh của TP. Huế với các danh hiệu: “Thành phố bền vững môi trường Asean”; “Thành phố Xanh quốc gia” và đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” sẽ tiếp tục được phát huy trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đóng góp cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Văn Dinh – 23/05/2022 – Báo Tài nguyên & Môi trường