Xử lý nước thải bằng phương pháp tự nhiên là gì? Và một số công trình xử lý nước thải bằng hồ sinh học

Quá trình xử lý nước thải bằng phương pháp tự nhiên dựa trên các phản ứng tự nhiên từ các vi sinh vật tự nhiên có trong hồ sinh học, các hệ thống thủy sinh như cánh đồng tưới, đất ngập nước … để đạt được mục đích xử lý đặt ra Thông thường, các quá trình xử lý tự nhiên sẽ được hỗ trợ bằng một loạt các thiết bị cơ học sử dụng năng lượng như máy bơm, máy khuấy trộn, máy sục khí …

Một số dạng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp tự nhiên như sau:

  • Hồ sinh học
  • Cánh đồng lọc, cánh đồng tưới
  • Đất ngập nước

Bảng dưới đây trình bày mô tả ngắn gọn về một số hệ thống hồ sinh học ổn định:

Hệ thống

Mô tả ngắn gọn

Facultative pond (Hồ tùy tiện)

BOD dạng hòa tan sẽ được phân hủy hiếu khí nhờ các vi sinh vật hiếu khí phân tán lơ lửng trong môi trường nước hồ. Trong khi đó, BOD ở dạng huyền phù sẽ có xu hướng lắng xuống, và được xử lý bởi vi khuẩn ở đáy hồ. Lượng oxy mà các vi sinh vật hiếu khí sử dụng được cung cấp bởi tảo thông qua quá trình quang hợp hoặc được thẩm thấu từ không khí trên bề mặt nước. Phương pháp này sẽ yêu cầu một diện tích đất lớn để xây dựng.

Anaerobic pond – facultative pond (Hồ kỵ khí kết hợp hồ tùy tiện)

Khoảng 50 đến 70% của BOD được chuyển đổi trong hồ kỵ khí (hồ có độ sâu lớn hơn và thể tích hồ nhỏ hơn hồ tuỳ tiện), và lượng BOD còn lại tiếp tục được loại bỏ trong hồ tùy tiện. Hệ thống này yêu cầu diện tích đất ít hơn so với quá trình xử lý chỉ sử dụng hồ tùy tiện.

Facultative aerated lagoon (Hồ sục khí tùy tiện)

Cơ chế loại bỏ BOD trong hồ tương tự như các cơ chế của hồ tùy tiện. Oxy sẽ được cung cấp thêm nhờ các thiết bị sục khí cơ học thay vì chỉ thông qua quang hợp hay thẩm thấu. Tuy nhiên, quá trình sục khí sẽ không đủ để giữ tất cả chất rắn lơ lửng đồng đều trong toàn bộ hồ, một phần lớn chất rắn lơ lửng trong nước thải và sinh khối sẽ lắng xuống đáy hồ và diễn ra quá trình phân hủy kỵ khí.

Complete-mixed aerated lagoon – sedimentation pond (Hồ sục khí khuấy trộn hoàn toàn kết hợp hồ lắng)

Năng lượng cần cung cấp để xử lý một đơn vị thể tích của hồ cao. Chất rắn lơ lửng (chủ yếu là sinh khối) sẽ được phân tán trong môi trường nước nhờ quá trình khuấy trộn hoàn toàn. Nồng độ sinh khối cao hơn trong môi trường nước làm tăng hiệu suất xử lý BOD, từ đó giúp hồ này có thể tích nhỏ hơn so với hồ tùy tiện thông thường. Tuy nhiên, chất rắn lơ lửng (sinh khối) sẽ phải được loại bỏ trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Do đó sẽ cần xây dựng thêm hồ lắng để loại bỏ các chất rắn này. Bùn thải của hồ lắng phải được loại bỏ sau vài năm.

Maturation ponds (Hồ làm sạch triệt để)

Mục tiêu chính của hồ làm sạch triệt để là loại bỏ các sinh vật gây bệnh. Trong các hồ làm sạch triệt để, các điều kiện môi trường gây bất lợi cho các sinh vật gây bệnh sẽ chiếm ưu thế chẳng hạn như bức xạ cực tím, độ pH cao, nồng độ DO cao, nhiệt độ thấp hơn (so với đường ruột của con người), thiếu chất dinh dưỡng. Đây là giai đoạn sau xử lý  BOD, thường được thiết kế thành một loạt các hồ hoặc một cái ao có vách ngăn. Hiệu quả xử lý coliform rất cao.

Định nghĩa

Hồ sinh học là hệ thống các hồ nhân tạo bao gồm một hoặc một chuỗi các hồ kỵ khí (anaerobic), hồ tùy tiện (facultative) và hồ làm sạch triệt để (maturation ponds). 

Trong đó: Hồ kỵ khí sẽ thực hiện xử lý sơ cấp các chất rắn lơ lửng và một phần chất hữu cơ (BOD). Hồ tùy tiện sẽ thực hiện xử lý cấp hai. Hầu như toàn bộ phần BOD còn lại sau xử lý sơ cấp được xử lý nhờ hoạt động cộng sinh giữa tảo và vi khuẩn dị dưỡng. Hồ làm sạch triệt sẽ tiến hành xử lý cấp ba. Tại đây, các vi sinh vật gây bệnh và các chất dinh dưỡng (đặc biệt là nitơ) sẽ được xử lý và loại bỏ.

Hình 1. Hệ thống Hồ sinh học ở Fortaleza, phía Bắc Brazil với lưu lượng dòng vào là 10,000 m3/ngày.

Các quá trình và phản ứng

Các quá trình và phản ứng xảy ra trong hồ sinh học là: 

  1. Quá trình lắng
  2. Phân hủy hiếu khí
  3. Lên men yếm khí
  4. Cộng sinh giữa vi khuẩn và tảo
  5. Hấp thụ và chuyển hóa oxy qua bề mặt nước
  6. Hoạt động của vi khuẩn lưu huỳnh
  7. Quá trình bay hơi
  8. Quá trình thẩm thấu.
Định nghĩa

Hồ kỵ khí là loại hồ xử lý nước thải nhờ các vi sinh vật kỵ khí và vi sinh vật tùy tiện phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải ở điều kiện không có oxy hòa tan với nhiệt độ, pH, … thích hợp để tạo ra các sản phẩm đơn giản (chủ yếu là CO2, CH4).

Trong đó, nhóm vi sinh vật thực hiện quá trình thủy phân và lên men bao gồm các vi khuẩn kỵ khí và tùy tiện. Ví dụ: Clostridium, Lactobacillus, Actinomycetes, Staphylococcus, Escherichia coli. Nhóm vi sinh vật thực hiện quá trình metan hóa được phân loại là nhóm vi sinh vật cổ (archea), là những vi sinh vật kỵ khí nghiêm ngặt.

Ưu điểm
  • Không đòi hỏi bất kỳ thiết bị phụ trợ nào và hầu như không tiêu tốn năng lượng
  • Sản xuất bùn sinh học ít hơn
  • Sản xuất khí metan, một nguồn năng lượng tiềm năng
  • Tiêu thụ CO2 trong không khí.
Nhược điểm
  • Thời gian bắt đầu kéo dài để phát triển đủ lượng sinh khối ổn định
  • Có thể yêu cầu bổ sung độ kiềm
  • Không thể loại bỏ nito và photpho sinh học
  • VK metan rất nhạy cảm với điều kiện môi trường (pH, nhiệt độ) và các chất độc hại có thể có trong nước thải. Nếu tốc độ sinh trưởng của chúng bị suy giảm thì dẫn tới sự tích tụ các axit sản sinh trong các giai đoạn
  • Phát thải ra khí gây mùi.
Ứng dụng

Đầu ra có nồng độ BOD cao nên vẫn cần tiếp tục xử lý. Sau hồ kỵ khí sẽ cần sử dụng hồ tùy tiện để tiếp tục xử lý. Việc kết hợp hồ kỵ khí với hồ tùy tiện giúp tiết kiệm diện tích mặt bằng hồ hơn so với trường hợp chỉ sử dụng hồ tùy tiện để loại bỏ BOD. Hồ xử lý kỵ khí được ứng dụng trong xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chứa hàm lượng chất hữu cơ cao như nước thải lò mổ, chăn nuôi lợn, chế biến sữa, công nghiệp đồ uống.

Định nghĩa

Hồ tùy tiện là loại hồ xử lý chất thải đơn giản nhất. Quá trình xử lý chỉ là giữ nước thải trong hồ trong một thời gian đủ dài để quá trình ổn định chất hữu cơ diễn ra một cách tự nhiên.


Hình 2. Quá trình hoạt động của hồ tuỳ tiện

Ưu điểm
  • Thi công, xây dựng và vận hành đơn giản
  • Chi phí thấp và vận hành ổn định (không gặp vấn đề trong hỏng hóc thiết bị).
Nhược điểm
  • Quá trình diễn ra tự nhiên nên tốc độ xử lý chậm, thời gian lưu lâu, vì vậy cần diện tích đất lớn.
  • Các quá trình sinh học bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố nhiệt độ (khó kiểm soát).
Ứng dụng

Phương pháp xử lý nước thải bằng cách sử dụng hồ tùy tiện thường được sử dụng khi có sẵn diện tích đất lớn hoặc giá mặt bằng hợp lý, khí hậu thích hợp và phương pháp vận hành xử lý không phức tạp cũng như công nhân không cần được đào tạo đặc biệt.

Định nghĩa

Hồ khuấy trộn một phần còn gọi là hồ sục khí tùy tiện. Hồ có sử dụng thêm các thiết bị cấp khí để tăng cường oxy trong nước, những các thiết bị này không đủ lớn để duy trì toàn bộ các chất rắn ở trạng thái lơ lửng. Khu vực có thiết bị sục khí (đường kính nhỏ hơn) là vùng khuấy trộn sẽ đảm bảo sự khuấy trộn của chất lỏng, cho phép duy trì chất rắn ở dạng huyền phù. Vùng oxy (khu vực có đường kính lớn hơn) là khu vực đảm bảo sự khuếch tán oxy trong chất lỏng, nhưng không đảm bảo sự trộn lẫn.

Hình 3. Minh họa vùng khuấy trộn và vùng oxy hóa

Hồ khuấy trộn hoàn toàn hoạt động trong điều kiện hiếu khí. Thiết bị cấp khí không chỉ đảm bảo cung cấp oxy mà còn khuấy trộn duy trì các chất rắn lơ lửng trong nước. Do hàm lượng chất rắn lơ lửng đầu ra khỏi hồ vẫn cao nên hồ lắng được bố trí sau hồ sục khí khuấy trộn hoàn toàn để lắng và ổn định các chất rắn.

Các hồ tùy tiện thông thường bị hoạt động quá tải mà không còn diện tích để mở rộng có thể được chuyển thành hồ sục khí tùy tiện hoặc hồ khuấy trộn hoàn toàn bằng cách lắp đặt thêm các thiết bị cấp khí, thiết bị khuấy trộn. Tuy nhiên việc cải tiến này cần phải được dự tính từ trước ngay trong quá trình thiết kế hồ tùy tiện, để độ sâu hồ có thể phù hợp với các thiết bị cấp khí được lắp đặt.

Hình ảnh thiết bị sục khí nổi

Ưu điểm
  • Diện tích hồ được giảm đi đáng kể so với hồ tùy tiện thông thường
  • Giảm hiện tượng hoạt động quá tải cho hồ
  • Đảm bảo khuấy trộn đều lượng chất thải lơ lửng trong hồ, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả xử lý và tránh gây ra vùng nước chết ở đáy hồ.
Nhược điểm
  • Quá trình vận hành ít đơn giản hơn so với hồ tùy tiện thông thường
  • Sự tiêu tốn năng lượng trong quá trình cấp khí
  • Cần tiến hành bảo dưỡng thiết bị định kỳ.

Các hệ thống trong xử lý nước thải bằng phương pháp tự nhiên khác sẽ được trình bày trong các bài viết tiếp theo. Mong độc giả chú ý đón xem bằng cách theo dõi trang Web SOLEN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *